Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Sau khi đã thỏa thuận và giao kết hợp đồng, các bên sẽ tiến hành thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trong khi thực hiện hợp đồng hoàn cảnh có thể có những thay đổi cơ bản khiến cho những điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng trở nên không còn phù hợp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các bên trong hợp đồng.Bộ luật dân sự 2015 đã dành một điều luật để quy định về việc “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Đây là điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 so với Bộ luật dân sự 2005.
1. Căn cứ pháp lý:
Điều 420 Bộ luật dân sự 2015.
2. Điều kiện để được coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”:
Theo quy định tại khoản 1 điều 420, hoàn cảnh được coi là thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau:
· Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
· Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
· Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
· Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
· Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
3. Cách xử lý hợp đồng khi “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”:
3.1. Các bên tự đàm phán về việc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng:
Khoản 2 điều 420 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
· Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý
· Tự do tự nguyện cam kết, thỏa thuận là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu của Luật dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng, nên khi thực hiện hợp đồng, nếu hoàn cảnh có những thay đổi cơ bản dẫn đến việc không thể giữ nguyên hợp đồng như ban đầu thì pháp luật ưu tiên tôn trọng quyền tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng.
· Sau khi đàm phán, các bên có thể thỏa thuận để cùng đưa ra quyết định về việc sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm nào đó sao cho phù hợp với hoàn cảnh đã thay đổi.
3.2. Tòa án giải quyết vụ việc:
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên cũng có thể tự đàm phán và thỏa thuận được việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, thì khi ấy, pháp luật đưa ra quy định để bảo vệ bên có lợi ích bị ảnh hưởng khi hoàn cảnh có những thay đổi cơ bản tại khoản 3 điều 420 như sau:
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
4. Thực hiện hợp đồng trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc:
· Khi hai bên chưa đàm phán xong và thỏa thuận về việc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hay Tòa án đang giải quyết vụ việc chưa xong thì về mặt pháp lý, hợp đồng vẫn tồn tại và có hiệu lực nên khoản 4 điều 420 quy định:
· Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.